CHUYỆN CHỮA RĂNG

Chuyện Chữa Răng

 

–  Nói lớn lớn chút coi, bữa nay sao chị phều phào như người chết rồi vậy ?

–  Tôi mới đi nha sĩ về, miệng còn cứng vì thuốc tê há to không được .

–  Ra thế. Đi nha sĩ làm gì ?

–  Răng tôi xấu quá, ổng đục đẽo, dũa nậy tùm lum gì đó trong  miệng nghe lạnh người.

–  Đau lắm không ?

–  Không, nhưng ngộ lắm để nói cho nghe. Mỗi lần đi nha sĩ như vậy tôi thích thú vì mình có dịp thử công lực thiền của mình.

–  Thử cái gì ?

–  Thiền.

–  Chị này mát dây.

–  Anh chưa nghe tôi nói hết mà. Lần trước lúc làm xong ông dặn là miệng có thể bị chảy máu nhiều và đau nhưng đó là phản ứng tự nhiên không có gì phải lo. Vậy mà tôi không bị gì hết. Có thể nha sĩ chỉ dặn phòng hờ, nhưng tôi cho rằng việc không có biến chứng là do kết quả của thiền.

–  Ngộ ta, chị giải thích nghe thử coi.

–  Vầy nè, bởi phải đi nha sĩ nhiều lần để trị nguyên bộ răng, ngay lần đầu tiên tôi nẩy ý là làm sao cho công việc được hóa tốt đẹp. Tôi bèn thí nghiệm dùng thiền, trong lúc ngồi đợi tôi vào thiền ngay hướng tư tưởng đến nha sĩ và chiếc ghế quay đáng sợ trong phòng chữa răng. Bình thường mỗi khi leo lên ghế là tay chân tôi rụng rời, nhưng bây giờ tôi ráng bao phủ nó bằng tư tưởng bằng an. Làm vậy không khó vì lúc này tôi vào thiền dễ dàng, và đó chỉ là giai đoạn mở đầu. Khi tới phiên tôi thì bầu không khí đã được chuẩn bị sẵn, và khi nha sĩ với dao kéo kềm búa loảng xoảng bắt há miệng là tôi bước sang giai đoạn hai.

–  Nghe thấy ghê.

–  Thành ra tôi mới nói đó là cơ hội cho mình thử công lực xem thâm hậu tới bực nào. Run mà thiền được mới đáng nói chứ. Nha sĩ bắt tay vào việc thì tôi cũng chìm sâu vào thiền. Chuyện tâm linh khó giải thích lắm và có thể tôi giải thích sai, nhưng đại khái là tôi cố gắng nhập tâm vào tâm nha sĩ và cô phụ tá; kinh nghiệm của tôi là khi làm vậy thì cảm thấy bình an hết sức.

–  Nhập tâm là làm sao ?

–  Ấy là điều tôi không cắt nghĩa được, càng nói càng sai, phải kinh nghiệm mới biết. Nó tương tự như anh nâng làn rung động của tâm trí lên một mức cao và đạt tới làn rung động của phần an nhiên tự tại, cho cảm giác bình an vững chắc không gì lay chuyển được, y như câu trong Tâm kinh Bát nhã: “... tâm vô quái ngại, vô quái ngại cố, vô hữu khủng bố, viễn ly điên đảo mộng tưởng, cứu cánh Niết bàn…” (tâm không chướng ngại, vì tâm không chướng ngại nên không có sự sợ hãi, xa lìa mọi mộng tưởng, đạt Niết bàn tuyệt đối). 

– Lên tới Niết bàn chị thấy gì ?

–  Không thấy gì ráo.

– ?

– Dẹp anh lại, công lực tôi chưa đủ thâm hậu để lên Niết bàn. Nói nhập vào tâm của nha sĩ cũng không đúng vì mục đích của tôi không phải là đi sâu vào tâm tư của ông. Chuyện tôi làm có thể nói đại khái là trong phút chốc tôi có cái tâm rộng mở, tâm thức chung của vạn vật bao trùm tâm tôi, tâm nha sĩ và cô phụ tá. Có lẽ đó là kinh nghiệm mà sách gọi là tâm đại đồng.

–  Có tâm đó là chị thành Bồ tát rồi.

–  Anh phá tôi hoài. Tôi kinh nghiệm tiến trình thiền như vầy: anh biết tâm thức ứng với tần số rung động, dục vọng có tần số thấp còn ước vọng thanh khiết có tần số cao. Khi tâm anh hòa với tâm vạn vật không còn chút ghét bỏ ai mà chỉ có độc nhất một ý niệm an lành, anh đạt tới tần số ứng với ý niệm đó và không còn là anh nữa, bởi cái ngã tan biến và anh nhập một với cái tâm bao la có cùng khắp. Anh thấy mình là một với Sự Sống, và bởi sự sống bao trùm cả nha sĩ và cô nha tá là hai người đang liên hệ trực tiếp với anh, anh có cảm tưởng nhập tâm với họ. Mà thôi, tôi đầu hàng; ngôn ngữ không tả được hết diễn tiến của nội tâm, hễ ai trải qua thì biết, giống như ai thành Phật thì biết ai là Phật.

–  Việc nhập tâm vào tâm đại đồng làm miệng chị không chảy máu, không đau lúc về nhà ?

–  Tôi nghĩ đó chỉ là cơ chế, còn động lực chính là như sau, nhưng tôi xin thưa trước là điều tôi sắp nói chỉ là giả thuyết, có thể đúng có thể sai vì chính tôi vẫn còn lờ mờ. Điểm chính của sự tham thiền là lòng thiện cảm, nhờ có thiện cảm anh mới mở rộng tâm hồn và đó là cốt tủy của sự tu tập, vì tôn giáo nào cũng dạy lòng thiện cảm và mở tâm. Khi anh chấp là anh tạo một vòng tròn quanh mình phân biệt ta với người, ấn định rõ ràng cái ta và cái không ta, giữ cái trước và đẩy lui cái sau. Phật dạy bỏ chấp hay Chúa dạy thương người bên cạnh, là kêu anh nới rộng chu vi tâm hồn bao lấy người khác, và coi họ như là một phần của anh thay vì nằm ngoài anh. Mới đầu anh chỉ có thiện cảm với bạn thân, chu vi thiện cảm và tình thương của anh vì vậy tăng được chút ít, rồi từ từ anh chấp nhận thêm người vào vòng thiện cảm cho tới lúc nó nở lớn bao lấy cả thế giới, cái ta và cái không ta sẽ chẳng còn.

–  Vậy lúc đó còn lại cái gi ?

–  Làm sao tôi biết được, anh toàn hỏi chọc tôi không.

–  Thấy chị nói ro ro như quay cassette tôi tưởng chị rành lắm.

–  Đọc sách thấy kinh nghiệm người khác ra sao thì tôi trả bài thuộc lòng không sai một chữ cho anh nghe. Chừng nào công lực tới mức thượng thừa tôi sẽ tả kinh nghiệm riêng của mình. Giờ trở lại việc chữa răng, tôi nghĩ sự đau đớn và chảy máu có nguyên do tâm lý một phần là con người đối kháng công việc của nha sĩ và y sĩ. Anh có để ý là khi đi khám bệnh hay khám răng, nha sĩ hay y sĩ đụng tới người là anh cứng lại, tim đập mau hơn không ? Khoa học giải thích là lúc đó lượng adrenaline trong người tiết nhiều làm bộ óc linh mẫn hơn, tâm trí lanh lẹ hơn khiến cơ thể phản ứng mau chóng, để đối phó với tình thế mà nó cho là nguy hiểm. Cơ thể anh nghĩ nó đang lâm nguy, nên theo dõi từng chút diễn biến của ngoại cảnh để sẵn sàng có biện pháp thích ứng, tự bảo vệ mình. Ý muốn bảo tồn sự sống của cơ thể, và ý muốn can thiệp vào cơ thể (để chữa bệnh) của nha sĩ xung đột nhau, cơ thể kháng cự lại sự can thiệp ấy và xung đột làm cho sự đau đớn, chảy máu vốn sẵn có nay hóa mạnh hơn. Có nghĩa khi anh làm giảm tính đối kháng, thay vào đó bằng tinh thần hợp tác, hòa hợp với thiện cảm chữa bệnh của nha sĩ, sự xung đột bớt đi kéo theo sự chảy máu.

–  Và chị là bằng chứng cho quan niệm đó ?

–  Tôi nghĩ vậy. Mỗi lần thấy người cứng lên, căng thẳng chờ nha sĩ làm việc tôi dạy cơ thể mềm mại trở lại, và cố gắng giữ tư tưởng thiện cảm, an hoà, ráng bước vào tâm nha sĩ và hợp tác với ông, nhưng sự thiện cảm đi hai chiều, từ người chữa bệnh sang người bệnh và ngược lại, và là một yếu tố quan trọng cho sự lành bệnh. Cơ thể căng thẳng làm con đường thông thương giữa hai người bị tắc nghẽn và thiện cảm không được luân lưu.
Về phần người chữa bệnh, ông Olcott thuật lại là ngày kia ông chữa bệnh cho một người với lòng thiện cảm, dặn họ trở lại hôm sau. Khi trở lại bệnh đã giảm nhiều nhưng trong thời gian đó, ông được thuật về đời tư của họ và sự hiểu biết ấy làm ông còn rất ít thiện cảm với người bệnh. Lần trị bệnh thứ hai tuy ông cũng tận tâm nhưng không có chút thiện cảm nào, và kết quả thua xa với lần đầu. Nói chung bác sĩ và nha sĩ đều có thiện cảm với bệnh nhân, mình đáp lại cũng bằng thiện cảm, thì sự luân lưu hai chiều sẽ làm việc chữa bệnh được dễ dàng.

–  Chị ở trong trạng thái thiền suốt buổi chữa răng à ?

–  Đâu có, ở được chút xíu thôi, rồi từ cõi bình an đó tôi rớt xuống cõi trần cái bịch, nhưng lại định tâm leo lên. Cứ như thế leo lên rớt xuống mấy lần nhưng đó là chuyện tự nhiên. Tôi rớt xuống vì tuy mình diễn tả nó là cõi an lạc, nó không có nghĩa anh nằm dài khoan khoái thụ động, để mặc sự sống ru ngủ anh như sóng biển vỗ về khi anh phiêu phiêu trên thuyền ngoài biển. Ngược lại thiền là một cố gắng tinh thần mạnh mẽ, càng sâu càng mãnh liệt, hết sức tích cực để đi sâu vào sự sống, đi vào cái KHÔNG. Cái nghịch lý và khó là ở chỗ đó, không giải thích được. Anh phải luôn luôn làm chủ mình trong lúc thiền, cho dù tiểu ngã hòa vào đại ngã anh vẫn ý thức được anh là anh, nắm phần chủ động ngay cả trong khi ấy.

–  Có nghĩa tôi không còn là tôi và tôi vẫn là tôi ?

–  Chớ sao nữa !

–  Nói như chị ai mà hiểu nổi. 

–  Thế này, nhà chùa có chữ “công phu" là rất đúng. Thiền là công phu định trí, nâng cao tâm hồn trụ vào phần tinh thần và cố gắng ở lâu trong đó. Bất cứ công việc nào cũng đòi hỏi anh vận dụng ý chí và ý thức, anh luôn luôn thức tỉnh trong lúc thiền dù cảnh giới thức tỉnh thay đổi. Các thiền sư là vị thánh có thể nhập thiền mê man, nhưng họ không mê mà hết sức tỉnh táo nếu xét hiện tượng theo mặt tâm lthức. Nguyên tắc chung là con người vào một thời điểm chỉ có thể thức tỉnh ở một cõi mà thôi, không thể ở hai cõi một lúc. Khi anh trụ tâm thức ở cõi trần thì anh thức tỉnh ở cõi trần, khi thiền anh trụ tâm thức nơi cõi trí trừu tượng và như vậy anh thức tỉnh nơi cõi trí mà mù mịt chuyện trần, và ngất trí lúc thiền là hoàn toàn mê man nơi này và sáng suốt trọn vẹn nơi kia.
Nhưng phải coi chừng, tuy thiền đòi hỏi hoạt động trí tuệ mãnh liệt nó không có nghĩa là anh gồng mình, cứng người lại lúc thiền giữ cái trí cứng ngắc không nhúc nhích. Ai mới tập xe đạp hay xe hơi cũng mắc lỗi chung là giữ cứng tay lái, ôm cứng ngắc tay lái té cũng không buông, vẫn ghì chặt lấy nó. Mới tập thiền cũng có lúc như vậy nhưng kinh nghiệm sẽ dạy mình uyển chuyển, chỉ cần rờ nhẹ tay lái cũng đủ chuyển hướng xe, hay vừa nhắm mắt là thăng liền !
Còn chuyện tôi té cái bịch là bởi tôi chưa đủ sức giữ lâu làn rung động mãnh liệt khi thiền. Anh coi vũ ballet thì rõ, cô ballerina nào giỏi có thể quay một lúc ba mươi sáu vòng trên đầu ngón chân, và nam vũ viên nào giỏi có thể xoay người thật lâu. Thiền cũng y vậy, mới đạt tới mức rung động nào đó thì mình chỉ ở được một vài giây, từ từ công lực thâm hậu làm anh ở lại lâu hơn ! Bác sĩ Ainse Meares sau khi thí nghiệm với Yoga đã quyết định thử sức thiền của mình, ông có hai cái răng phải nhổ và yêu cầu nhổ không thuốc tê; ông đã ngồi yên không cục cựa trong suốt buổi và sau đó, tin chắc vào giá trị của thiền ông đã đổi ngành, từ bác sĩ thể xác sang bác sĩ tâm thần, dùng thiền để trị ung thư và những chứng hiểm nghèo khác. *

Trong lúc hòa vào tâm đại đồng anh ý thức được đại ngã và vẫn ý thức được có mình vì lẽ hễ ý thức - đại ngã lẫn tiểu ngã - là anh biết mình hiện hữu, vẫn còn cái tôi dù nay cái tôi đã làm một với cái KHÔNG.

–  Tội nghiệp chị chưa, bữa nay bắt chị nói nhiều quá, chị muốn tôi bao cái gì, cái gì cũng được.

–  Một thỏi chocolate, món đó tôi hẩu nhất.

–  Tôi sợ chị luôn. Nha sĩ vừa mới dặn phải chăm sóc răng miệng kẻo nay mai rụng hết không còn cái nào, móm mém móm xọm mà giờ chị đòi ăn chocolate. Chị không ngán sao ?

–  Anh ăn gian, anh vừa nói muốn gì cũng được mà giờ anh la tôi.

–  La chị hồi nào, chơi với con gái thật khổ quá.

–  Nghe anh than tôi động lòng từ, thôi mình nghỉ chơi cho anh bớt khổ.

–  Đồng ý, nghỉ chơi năm phút.

–  Không, nghỉ luôn. Tới số báo sau chơi lại và đừng quên thanh chocolate của tôi.

 

*Những sách về việc dùng thiền để chữa bệnh của ông rất đáng xem.